Covid-19 tác động tiêu cực lên sản xuất công nghiệp
Ngày đăng: 01/08/2021
Theo Baoquocte.vn. Ngày 29/7, Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm. Theo đó nhận định dịch Covid-19 với biến chủng mới diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất công nghiệp trong tháng 7 và 7 tháng năm 2021.

Tính chung 7 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019.


Chỉ số sản xuất công nghiệp một số ngành đã giảm đáng kể do tác động của dịch Covid-19. (Nguồn: Reuters)

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,9% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,2%), đóng góp 8,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,2%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,6%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6,3%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Chỉ số sản xuất 7 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất kim loại tăng 34,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 30,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 14,2%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 13,3%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 13%.

Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,4%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 8,6%; khai thác than cứng và than non giảm 2,9%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 1,7%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 1,1%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 0,3%.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng nêu rõ, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg nên IIP tháng 7/2021 giảm mạnh.

Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh giảm 19,4%; Long An giảm 14,6%; Cà Mau giảm 13,7%; Đồng Tháp giảm 5,7%; Trà Vinh giảm 5,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,9%; Bến Tre giảm 0,2%.

Tuy nhiên, một số địa phương có IIP tăng do một số Khu công nghiệp quyết tâm không để đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh với phương án 3 tại chỗ nên được phép hoạt động để tiếp tục thực hiện các đơn hàng sản xuất đã ký kết hợp đồng trước đó.

Cụ thể, Bạc Liêu tăng 13,7%; Bình Phước tăng 12,2%; Hậu Giang tăng 10,1%; Kiên Giang tăng 8,8%; Cần Thơ tăng 8,1%; Sóc Trăng tăng 7,6%; An Giang tăng 6%.

Theo P.V Baoquocte.vn

Tags